Năng lượng có lẽ là khái niệm không hề xa lạ, nó tồn tại xung quanh cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, liệu bạn đã thực sự hiểu tường tận về năng lượng, các nguồn năng lượng sản sinh, chúng quan trọng như thế nào trong đời sống hàng ngày và vấn đề quản lý năng lượng cấp thiết như thế nào hiện nay? Hàng loạt các bài toán đặt ra về năng lượng hiện nay đòi hỏi một nguồn nhân lực có chuyên môn giải quyết vấn đề cần thiết này của nhân loại. Và từ đó chuyên ngành quản lý năng lượng ra đời với nhiều triển vọng dành cho người theo học.
Năng lượng là gì?
Năng lượng được định nghĩa là năng lực làm vật thể hoạt động. Mỗi khi bạn tạo ra năng lượng, tức là một khối lượng vật chất dù lớn hay nhỏ sẽ biến mất và sản sinh ra năng lượng. Chẳng hạn khi bạn đốt than sẽ làm không khí xung quanh nóng lên, và than sẽ dần dần nhỏ đi và cuối cùng hóa thành tro tàn. Cơ thể chúng ta cũng chuyển hóa thức ăn mỗi ngày thành năng lượng để duy trì cuộc sống cho chúng ta. Trong tự nhiên, năng lượng tồn tại dưới các dạng sau:
- Năng lượng mặt trời
- Năng lượng gió
- Năng lượng địa nhiệt
- Năng lượng hydro
- Năng lượng thủy triều
- Năng lượng sóng
- Năng lượng thủy điện
- Năng lượng sinh khối
- Năng lượng hạt nhân
- Năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí)
Nguồn năng lượng trong tự nhiên là hữu hạn, trong khi dân số trên thế giới ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, với cuộc sống ngày càng phát triển đã sản sinh ra các ngành công nghiệp tiêu thụ nguồn năng lượng khổng lồ. Do đó, đã đến lúc xã hội cần có ý thức hơn trong việc khai thác và sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho tương lai. Tại Mỹ, việc ưu tiên bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng được đặt lên hàng đầu, người ta tìm ra mọi cách dùng ít năng lượng hơn để thực hiện cùng một chức năng bên cạnh việc tái chế năng lượng.
Ngành quản lý năng lượng là gì?
Chuyên ngành Quản lý năng lượng thường bị hiểu nhầm là chỉ bó hẹp trong việc cố gắng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, khái niệm này còn rộng hơn thế. Nó là quá trình làm việc với các cá nhân, tập thể và các nguồn lực khác (thiết bị, vốn, công nghệ) để lên kế hoạch và quản lý hoạt động sản xuất và sử dụng năng lượng, nhằm đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo sự bền vững cho việc cung cấp năng lượng lâu dài. Có rất nhiều bài toán để những người quản lý năng lượng đứng ra giải quyết, chẳng hạn như vận hành hệ thống điện, kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng nhiệt…
Vào 6/ 2011, tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 50001:2011 về hệ thống quản lý năng lượng để giúp các tổ chức quản lý việc sử dụng năng lượng một cách có hệ thống. Quá trìn của một hệ thống quản lý năng lượng bao gồm các bước sau:
- Thiết lập chính sách và quản lý nhóm năng lượng: phản ánh các cam kết của ban lãnh đạo trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và là kim chỉ nam cho việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng.
- Hoạch định năng lượng: là xác định các mục tiêu, các yêu cầu pháp luật mà tổ chức/doanh nghiệp phải tuân thủ, cách hành động
- Thực hiện và điều hành: đưa hệ thống quản lý đi vào hoạt động dựa trên các con số trong hoạch định năng lượng.
- Kiểm tra: đánh giá kết quả trong việc thực hiện quản lý năng lượng, phân tích các yếu tố tác động đến quá trình thực hiện
- Xem xét của lãnh đạo cấp cao
Triển vọng của ngành Năng lượng ra sao?
Đối với bất kỳ ngành công nghiệp nào cũng xoay quanh “năng lượng”, do đó nó luôn nắm vai trò then chốt, là nguồn sống của mọi sản phẩm dịch vụ hiện nay. Không có năng lượng sẽ không thể sản xuất ra nông sản, thức ăn, đồ dùng, không có điện năng để sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ thông minh để thực hiện các dịch vụ cho khách hàng… Do đó, mọi vấn đề xoay quanh về năng lượng luôn được quan tâm hiện nay.
Việt Nam đang có tốc độ phát triển kinh tế lên đến khoảng 7 – 8%/năm, tỷ lệ thuận theo đó là nhu cầu đáp ứng năng lượng, đặc biệt là điện năng đang tăng cao đến chóng mặt. Nó hiện đang là vấn đề câp thiết trong bối cảnh Việt Nam, là áp lực về việc đất nước ta đứng trước nguy cơ mất cân bằng cung cầu điện năng. Bên cạnh đó, gia tăng dân số, tiêu dùng tăng, ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao ngày càng phát triển mạnh và mở rộng, và hiểu biết hạn chế của người dân dẫn đến việc sử dụng điện hiện nay còn nhiều lãng phí.
Mở rộng ra phạm vi toàn cầu, bất chấp sự dậm chân tại chỗ của một số lĩnh vực thì ngược lại, thị trường năng lượng toàn cầu đang nhận được sự rót vốn khổng lồ từ các tỷ phú như Warren Buffett, Carl Icahn, Jerry Jones và Sam Zell. Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tháng 12 vừa rồi, các quốc gia đã dự đoán nhu cầu năng lượng sẽ tăng khoảng 2 lần ở khu vực Đông Nam Á. Sự lan rộng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều khúc mắc bởi độ tin cậy của chúng, và làm các nào tích hợp chúng vào các hệ thống năng lượng hiện có như năng lượng điện. Đó đều là những câu hỏi cần những nhân tài trong ngành Quản lý năng lượng nói riêng và Năng lượng học nói chung đứng ra tìm lời giải. Nếu ở Việt Nam có thể đến những công ty năng lượng hoặc sản xuất thiết bị năng lượng lớn để làm việc như: Phúc Trường Hải (doanh nghiệp sản xuất nồi hơi cho năng lượng từ than và rác thải), ECC, TTC group,…
Học ngành Quản lý năng lượng có triển vọng không?
Với nhu cầu năng lượng mỗi ngày càng phình to cũng như sự quan tâm về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng Quản lý năng lượng là ngành học giàu tiềm năng với cơ hội nghề nghiệp lớn, bởi bất cứ nơi đâu cũng cần năng lượng để hoạt động và vận hành bộ máy kinh doanh.
Đặc biệt, hiện nay ở Việt Nam đã ban hành “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” được đưa vào từ năm 2011, quy định rõ tại chương VIII từ điều 33 đến điều 36 rằng các doanh nghiêp sử dụng năng lượng trọng điểm phải có cán bộ giám sát năng lượng và thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ. Điều này như một cam kết về cơ hội việc làm cho những cử nhân ngành Quản lý năng lượng.
Các kỹ sư về Quản lý năng lượng hiện nay có thể lựa chọn làm việc tại Cục Điều tiết điện lực, Viện Năng lượng, sở Công Thương các tỉnh, Các công ty điện lực, công ty mua bán điện, trung tâm điều độ hệ thống điện, Công ty tư vấn về tiết kiệm năng lượng và cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hoặc ngay cả các tổ chức phi chính phủ hoạt động phat triển về năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.