Bên cạnh lĩnh vực như Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục là một trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển, vì đây chính là nền tảng để xây dựng đất nước trong tương lai. Ngành Giáo dục hiện nay không chỉ phát triển trong phạm vi của Nhà nước, mà rất nhiều đơn vị tư nhân hay các doanh nghiệp nước ngoài đã tham gia vào thị trường Việt Nam, tạo nên sự đa dạng cũng như nhiều cơ hội tiềm năng cho người khởi nghiệp. Dưới đây là một số kinh nghiệm từ việc lên ý tưởng kinh doanh, đến việc thực hiện cho những ai đang có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.
Ngành Giáo dục Việt Nam với nhiều hạn chế
Tại Việt Nam, tiềm năng của lĩnh vực Giáo dục đang bị bỏ ngỏ khá nhiều, sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em nông thôn và thành thị khá lớn. Điều này thể hiện qua các con số biết nói: chỉ có hơn 13% trẻ em ở nông thôn hoàn tất bậc học trung học phổ thông, trong khi đó con số này ở thành thị là 37%. Chính sự bất cập này dẫn đến nhiều lỗ hổng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, an sinh xã hội.
Việc thiếu tiếp cận về mặt giáo dục cũng khiến cho người lao động Việt Nam thiếu hụt một số kỹ năng cần thiết như nhận thức, tư duy phản biện, làm việc nhóm… Theo số liệu từ World Bank, có đến 80% ứng viên thiếu kỹ năng chuyên môn, và 83% ứng viên thiếu kỹ năng chuyên môn kỹ thuật trong ngành. Cơ cấu lực lượng lao động phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Lực lượng lao động ở nông thôn chiếm đến 70%, trong đó độ tuổi 15 – 30 tuổi chiếm 70% tổng số lao động nông thôn. Điều đáng nói ở đây có đến 80% số thanh niên độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chuyên môn, khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Giáo dục muốn phát triển tốt cần kết hợp giữa các đơn vị cấp vốn, đơn vị hỗ trợ và các doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp, tác động xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc thiếu hụt ngân sách chi cho mảng trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn (Corporate Social Responsibility – CSR) từ các nhà cấp vốn, hay quá phụ thuộc các đơn vị nước ngoài là một vấn đề nan giải. Các đơn vị hỗ trợ như hiệp hội và ban ngành của nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu… vẫn còn hạn chế. Do đó, lĩnh vực đầu tư Giáo dục ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống đang chờ lấp đầy.
Những cơ hội cho các ý tưởng khởi nghiệp giáo dục
Theo khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Nelson, các phụ huynh chi tiêu ở Việt Nam 47% ngân sách của mỗi gia đình vào việc giáo dục con cái. Một trong những đặc điểm nổi bật đó chính là sự bùng nổ số lượng sinh viên du học hay chọn học các trường Quốc tế vì một trong những lý do: không thỏa mãn với chất lượng giáo dục đại học trong nước, mong muốn tìm kiếm công việc tốt sau tốt nghiệp, ý định nhập cư,… Hơn hết, điều này thể hiện nguồn tài chính để đầu tư vào Giáo dục hiện nay ngày càng lớn, và các nhà khởi nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để lên ý tưởng.
Bên cạnh vấn đề du học – hội nhập, với thời đại khi công nghệ làm chủ hiện nay, EdTech (Education Technology – ứng dụng công nghệ vào giáo dục) đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp Việt. Tính đến năm 2019, nguồn vốn đổ vào đầu tư mảng EdTech tại Việt Nam đã lên đến gần 1 tỷ USD. Đó cũng là một làn gió mới cho những doanh nghiệp muốn khởi nghiệp, vì các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tấn công lĩnh vực này.
Một số mô hình khởi nghiệp giáo dục dành cho tất cả mọi người
Mở trung tâm/học viện/lớp dạy học truyền thống
Đây là một trong những hình thức đầu tư vào lĩnh vực Giáo dục truyền thống và phổ biến nhất mà những nhà khởi nghiệp thường xuyên áp dụng. Ưu điểm của mô hình đào tạo này chính là được nhiều người tin tưởng nhất trong các mô hình học tập, liên tục có nhu cầu cao, đặc biệt các lĩnh vực cần sự tương tác trực tiếp với giáo viên (ngoại ngữ, thiết kế, lập trình, …), tổ chức nhiều hoạt động khác ngoài dạy học… Tuy nhiên để thực hiện mô hình này, nó đòi hỏi không chỉ ở kiến thức đào tạo chuyên môn, mà còn phải có kiến thức và kỹ năng quản lý, nguồn vốn dồi dào, một kế hoạch phát triển bài bản, tuyển dụng nhân lực hiệu quả và đặc biệt được cơ quan chính quyền có liên quan cấp phép.
Mở trung tâm dạy học trực tuyến
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ vừa qua, mô hình dạy học trực tiếp đã bộc lộ nhiều yếu điểm, và bị hạn chế khá nhiều vì để đảm bảo việc giãn cách xã hội và phòng dịch an toàn, đặc biệt tại những quốc gia hay khu vực có mức độ lây nhiễm cao. Lúc này, mô hình học trực tuyến phát huy tối đa công dụng, khi nó cho phép học sinh tiếp cận kiến thức mà không cần phải đến trường. Đối với các nhà đầu tư và sáng lập, trung tâm dạy học trực tuyến sẽ có nhiều ưu điểm như không yêu cầu nguồn vốn quá cao, nguồn nhân lực quá đông, quy trình quản lý cũng hiệu quả và đơn giản hơn, có thể tiếp cận nhiều học viên hơn mô hình truyền thống. Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số điểm hạn chế ở việc các học sinh – sinh viên vẫn ưa chuộng cách học tương tác trực tiếp hơn, cần phải đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, và đào tạo cho cả giáo viên lẫn nhân viên. Mô hình này thường hợp với những người đi làm bận rộn hay các khóa học từ xa.
Mở trung tâm tư vấn giáo dục
Trung tâm tư vấn giáo dục hiện nay đang rộ lên, khi ngày nay càng có nhiều phụ huynh – học sinh lựa chọn việc du học, làm việc ở nước ngoài cho con em mình. Những trung tâm này không chỉ đóng vai trò tư vấn, mà còn làm cầu nối, lo hết các vấn đề về thủ tục hồ sơ, đăng ký và hướng dẫn học viên trước khi sang nước ngoài hội nhập. Có thể nói, họ chính là những người đứng sau hành trình học tập lâu dài của các du học sinh. Để thực hiện khởi nghiệp mô hình này, bạn không chỉ cần có chuyên môn trong ngành, mà còn cần phải có nguồn quan hệ rộng với các đối tác lẫn các khách hàng dịch vụ.
Tổ chức khóa đào tạo ngắn ngày, hội thảo có thu phí
Hình thức này thường là các khóa học ngắn hạn từ 1 – 2 ngày hoặc các buổi nói chuyện chuyên đề có thu phí, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Hình thức này thường chỉ là những kiểu chia sẻ tip chuyên sâu, không dành cho những ai bắt đầu học từ con số 0, vì một khóa học chỉ kéo dài vài ngày là điều bất khả thi. Để có thể mở rộng hình thức đào tạo này, nó đòi hỏi bạn phải có sẵn mối quan hệ hay có tầm uy tín để mời được các chuyên gia đầu ngành hoặc những diễn giả có uy tín nhằm thu hút lượng người tham gia đông đảo. Bên cạnh đó, chi phí tổ chức event cũng không hề nhỏ.
Đầu tư vào các ứng dụng hỗ trợ học tập
Công nghệ giáo dục là một trong những mảng đang được nhiều quỹ đầu tư quốc tế hướng đến bởi sự lên ngôi của công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỷ nguyên số 4.0 hiện nay. Sự đón nhận của thị trường dành cho các sản phẩm ứng dụng giáo dục ngày càng lớn. Những ứng dụng dành cho học viên có thể kể đến phần mềm ELSA (English Learning Speech Assistant), LearnEnglish Podcasts Free EnglishListening, Quizlet… Đối với đơn vị đào tạo, quản lý trường học bằng phần mềm hỗ trợ trong việc tạo đề thi trực tuyến, quản lý dạy và học cũng rất đa dạng và phát triển. Nhìn chung, đây chính là mô hình xu hướng của tương lai, nhưng nó đòi hỏi chất xám và đột phá về mặt công nghệ nếu không muốn bị lu mờ so với đối thủ.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có nhiều kiến thức hữu ích nhé.